Chương 34: Chương 34

8698 Chữ 28/06/2025

 

Quý Thái phi lau nước mắt, ngồi trên ghế bên giường Thái hoàng thái hậu, tỉ mỉ kể lại mọi chuyện xảy ra trong triều mấy ngày nay.

Nghe tin người thất thế lần này là Tấn Dương, Thái hoàng thái hậu chẳng lấy làm lạ, thậm chí còn thấy hả hê: “Đáng đời! Trước thì lợi dụng ta, sau lại muốn khiến Bùi Hành Chiêu mất đi lòng tin của tướng lĩnh, tham vọng lớn đến nỗi không biết sợ no vỡ bụng mà chết sao.”

Thái Quý phi dè dặt nói: “Tấn Dương cũng không hẳn là lợi dụng người đâu? Chuyện đó đến cùng, cũng không để người gánh trách nhiệm gì.”

“Thế nàng ta còn muốn gì nữa?” Thái hoàng thái hậu trừng mắt: “Lúc ta tinh lực suy kiệt, ban ngày uống thuốc ngủ nhiều nàng ta bèn nhân cơ hội ấy, hết mang người này đến lại mang người kia đến thỉnh an. Nếu không phải nàng ta đưa người vào thì đám người đó có cơ hội diễn trò sao? May mà Bùi Hành Chiêu là người biết suy xét, nếu không thì ta đi đâu mà phân trần cho rõ?”

“Người đừng giận, bớt giận kẻo tổn thân.” Quý Thái phi vội vàng khuyên giải: “Thần thiếp chỉ cảm thấy, loại người như các nàng, chuyện gì cũng có thể ẩn tàng khúc mắc bên trong. Việc kia chưa biết chừng Tấn Dương cũng là bị người khác tính kế.”

“Ngươi cứ bênh vực nàng ta là sao?!” Thái hoàng thái hậu càng giận hơn: “Có chuyện thì nói, không có chuyện thì cút cho mau!”

Quý Thái phi nghẹn ngào bật khóc: “Thần thiếp… thần thiếp là lo cho hai đứa nhỏ… An Bình đã đến nước ấy rồi, còn bị người ta dâng sớ tố là xa xỉ vô độ. Nay có đại thần chủ trương cắt giảm đãi ngộ của hoàng thân quốc thích, việc này không chỉ liên quan đến An Bình mà còn liên quan đến ca ca nàng ấy.”

Ca ca ruột của An Bình – Khang Quận vương – năm ngoái theo khâm sai rời kinh đi cứu tế, hiện đang trên đường hồi kinh.

“An Bình đến mức đó rồi?”

Thái hoàng thái hậu lạnh lùng nhìn Quý Thái phi: “Ngươi nhắc đến mấy chuyện này với ta chẳng qua là muốn ta đi cầu xin Bùi Hành Chiêu, cầu xin Hoàng thượng, để họ xử lý nhẹ tay một chút, đúng không? Vậy thì ta cũng nói thẳng cho ngươi biết: đời này ta chỉ cầu sống yên ổn an hưởng tuổi già, tuyệt không nhúng tay vào chuyện bên ngoài cung môn nữa. Bùi Hành Chiêu là người ta không thể trêu vào, Hoàng thượng Hoàng hậu lại có nàng ta làm chỗ dựa, ta càng không dám động vào. Nghe rõ chưa? Nhớ kỹ vào.”

“Nhưng… hai đứa nhỏ của thần thiếp, chẳng phải cũng là cháu ruột của người đó sao?” Thái Quý phi rơi lệ lã chã: “Thần thiếp giúp không nổi bọn chúng, người mà cũng không đoái hoài vậy bọn trẻ sau này còn có đường sống nữa hay không đây? Huống hồ An Bình là do chính tay người nuôi lớn.”

Thái hoàng thái hậu không phải giả bệnh để trốn tránh mà bà thật sự đang bị đau đầu, toàn thân khó chịu. Người đang ốm, tâm tình càng nhạy cảm, lời cháu gái vừa nói ra liền khiến bà nghe sao cũng thấy chói tai: “An Bình do ta nuôi lớn? Đúng thế, nó ở trong cung của ta mấy năm, ta quả thực đã nuông chiều nó quá mức, chuyện gì cũng chiều theo, không để ai làm nó buồn phiền.

Chỉ là, những năm nó ở trong cung của ta, mỗi ngày ta đều tụng kinh lễ Phật, nhiều nhất cũng chỉ có nửa canh giờ là dành cho các tôn tử và mệnh phụ. Mỗi ngày ta ăn ba bữa với nó, nói trò chuyện nhiều thì cũng chỉ đôi ba câu. Khi ấy ngươi vào cung ta, lần nào chẳng nấn ná ở đây một hai canh giờ rồi mới rời đi? Bao nhiêu lần ngươi ngủ lại cùng An Bình?

Ta cản không cho mẹ con các ngươi gặp mặt sao? Ta không cho ngươi dạy con gái mình sao?

Bây giờ thiên hạ đều nói ta giáo dưỡng vô phương. Mấy lời này ta gần đây nghe không ít, chỉ có ngươi là chưa từng nói câu nào như vậy. Ngươi là mù hay là điếc? Không nhìn ra con gái mình bị dạy lệch rồi ư?”

“…” An Bình bị nuôi hư rồi, rốt cuộc là lỗi của ai, điều đó giờ còn quan trọng nữa sao? Quan trọng là lúc này họ đang đối mặt với hiểm cảnh trước mắt. Quý Thái phi càng khóc to hơn.

“Dù ta có giáo dục không chu toàn, dù cung nhân ở Từ Ninh cung có gan to trời đi chăng nữa cũng không thể có ai dạy nàng ta đi thông dâm với người khác, đúng không? Những kẻ hầu hạ nàng ta ở căn nhà ngoài cung ấy chẳng phải đều là ngươi sắp xếp hay sao?”

Quý Thái phi không nói nên lời.

Thái hoàng thái hậu vẫn chưa nguôi giận:
“Những năm tháng bình thường, vị làm Thái hậu nhiếp chính kia dẫu bị người đời phỉ báng thế nào cũng không thể phủ nhận người ta có cốt cách cứng cỏi, phẩm hạnh cao khiết. Dù vắt óc nghĩ cũng không tìm được một kẽ hở trong nhân cách; còn có người thì lại nuôi dưỡng nam sủng, lén lút tư thông, đến trong kỹ viện còn có những kỹ nữ biết giữ mình trong sạch, chết cũng không bán thân! Ta thấy nó là đầu thai nhầm chốn hoặc chính ngươi sinh con bị người ta tráo đổi mà không hay biết, chứ không thì sao hoàng thất lại sinh ra thứ ô uế, thấp hèn đến thế!”

Quý Thái phi cả đời chưa từng nghe lời nào cay nghiệt đến thấu tim gan như vậy, suýt nữa tức đến ngất lịm.

“Tóm lại, chuyện của An Bình ngươi đừng mong đổ hết lên đầu ta. Từ bảy đến mười bảy tuổi, ngươi là Quý phi có quyền thế lớn nhất hậu cung, đâu phải không đủ năng lực để chăm nom, dạy dỗ nó? Những chuyện cặn kẽ ấy người ngoài không cần suy xét nhưng chính ngươi thì nên tự hiểu. Ngươi với ta cùng lắm cũng chỉ là kẻ tám lạng người nửa cân. Hơn nữa, sau này nếu có tới, thì chỉ cần thỉnh an, hàn huyên vài câu là được còn những chuyện bên ngoài cung, chớ nói đến nữa.”

Thái hoàng thái hậu xua tay:
“Ta mệt rồi, lui ra đi.”

Quý Thái phi gắng gượng đứng dậy, hành lễ cáo lui, lặng lẽ rời khỏi Từ Ninh cung. Lưỡng lự một hồi lâu cuối cùng lại quay người đi về phía Thọ Khang cung. Từ xa bà đã nhìn thấy Bùi Hành Chiêu đứng trước cửa cung, đang lắng nghe Hứa Triệt nói gì đó.

Chăm chú nhìn kỹ, thấy Bùi Hành Chiêu khẽ mỉm cười, tâm trạng dường như không tệ. Vì thế, Quý Thái phi gắng nuốt lại cơn xúc động muốn quay đầu bỏ đi, bước chân cũng vì thế mà chậm rãi hơn.

Hứa Triệt đang báo cáo về chuyện liên quan đến Bùi Hiển:
“Mười người kia đưa vào Cẩm y vệ vẫn chưa đủ tinh nhuệ, đối phó với chuyện trong nhà thì tạm được. Vi thần đã dặn họ, nay đã bước chân vào phủ Bùi gia về sau chỉ nghe theo lệnh của Bùi đại nhân.”

“Bọn họ cho dù vẫn là người của ngươi cũng không sao.” Bùi Hành Chiêu cười: “Chuyện trong nhà họ Bùi, ngươi hẳn cũng biết đôi ba phần rồi chứ?”

“Vài chuyện giữa Lão phu nhân và Đại phu nhân, thuộc hạ có nghe người bên dưới kể sơ qua.” Hứa Triệt trầm ngâm chốc lát, rồi nói thật:
“Chỉ là… thật khó hiểu, một vị như Bùi tướng quân và một vị như người, sao lại có những thân thích như vậy được chứ?”

Bùi Hành Chiêu liếc hắn một cái” “Thì ra các ngươi Cẩm y vệ chỉ biết theo dõi hóng chuyện, chứ chẳng màng nhúng tay vào?”

Hứa Triệt bật cười: “Lúc ấy còn chưa quen biết người mà.”

Khi Tiên đế thân chinh xuất chinh, Cẩm y vệ luôn theo sát bên mình. Lúc ấy hắn có rất nhiều cơ hội tiếp xúc với Bùi Hành Chiêu. Hứa Triệt nhận thấy thị vệ thân cận của nàng người nào người nấy đều xuất sắc, được luyện tập bài bản. Có lần, hắn không ngại hỏi han, cầu xin nàng chỉ dạy phương pháp huấn luyện người. Khi ấy, Cẩm y vệ cũng thường xung trận giết địch, Hứa Triệt lại càng nổi bật hơn trong đám người nhờ đó mà Bùi Hành Chiêu chẳng tiếc truyền thụ tâm đắc của mình.

Hứa Triệt thu được rất nhiều lợi ích. Về sau Tiên đế còn đặc biệt căn dặn, nếu gặp khó khăn trong việc quản lý, huấn luyện người dưới thì cứ tìm đến Bùi Hành Chiêu. Cứ thế qua lại, hai người dần trở nên thân thiết.

Bùi Hành Chiêu bật cười, dặn dò:
“Nhắc nhở nhóm tâm phúc của ngươi, nếu gặp con nhãi nhà ta lại bày trò gây rối, cứ nói là do ta sai người đi tìm nó, bảo nó lập tức cút về cho ta.”

Hứa Triệt ngớ ra một lúc rồi mới hiểu: “Ồ, ý nói Hàn Lâm à? Được, vi thần nhớ rồi.”

Hắn từng gặp qua Hàn Lâm, đúng thật là một mầm non hiếm có nhưng lại có cái tính chẳng ra làm sao. Rảnh rỗi là chạy đi đánh bạc, ăn uống linh tinh. Tệ hơn là không dưới một lần mò vào kỹ viện, tìm những kỹ nữ biết uống rượu để so tài tửu lượng.

Người khác nghe thế thì cười ngặt nghẽo, riêng Bùi Hành Chiêu thì tức đến hoa mắt chóng mặt.

Dừng lại một chút, Hứa Triệt cố nhịn cười nói:
“Hàn Lâm gặp người quen của người, đều rất nghiêm túc nói: Bùi Ánh Tịch là sư phụ ta’.”

Bùi Hành Chiêu bật cười: “Nó mau cút đi cho khuất mắt ta.” Nàng chỉ hơn con thỏ con đó có ba tuổi thôi, thế nào cũng không thể gọi là sư phụ cho nổi.

Nụ cười trong mắt Hứa Triệt càng đậm, lúc này mới nhắc đến chính sự:
“Nhị phu nhân phủ Bùi vẫn cảm thấy Tam phu nhân có gì đó không ổn, mấy ngày nay ngay cả việc cho Tam tiểu thư thỉnh an cũng miễn, suốt ngày đóng cửa trong phòng. Những dược liệu mà Tam phu nhân chuẩn bị, cũng chẳng ai rõ có thực sự sắc lên uống hay không. Nhị phu nhân chủ yếu nghi ngờ đó không phải là thuốc tốt, lo sợ nếu người kia có chuyện gì lặng lẽ xảy ra, sẽ liên lụy đến Tam tiểu thư.”

“Không quản là gì, Tam phu nhân muốn dùng thì cứ dùng.” Gương mặt Bùi Hành Chiêu lạnh đi: “Nếu đến lúc sắp chết rồi còn không biết sắp xếp cho con gái mình, thì ta chỉ có thể trách bà ta sống quá lâu. Còn về phần đứa đường muội kia của ta, đúng là xui xẻo khi gặp phải một mẫu thân như thế, nhưng nó cũng là con gái của Bùi Lạc. Tính tình rốt cuộc giống ai, sau này xem mới biết.”

Hứa Triệt chậm rãi gật đầu: “Vi thần đã hiểu, xin cáo lui.”

Nói xong hành lễ, rồi quay người bước nhanh rời đi.

Lúc này, Thái Quý phi cũng vội vã tiến lại, hành lễ vấn an.

Bùi Hành Chiêu đã sớm nhìn thấy nàng, liền giơ tay ra hiệu miễn lễ: “Có chuyện gì?”

Thái Quý phi hiểu rõ tính tình của người trước mặt, nên không dám quanh co: “Thần thiếp có việc muốn hỏi, chuyện tài sản của An Bình bị kiểm tra có khiến con bé bị trách phạt nặng hơn không?”

“Sẽ không. Nàng ta chỉ là cái bia đỡ đạn đi cùng với Tấn Dương thôi.”

“Vậy thì tốt rồi.” Thái Quý phi lại hành lễ lần nữa, “Tạ ơn Thái hậu nương nương. Không còn chuyện gì nữa, thần thiếp xin cáo lui.”

Trong lòng bà còn chất đầy điều muốn nói nhưng một câu cũng chẳng dám hé ra. Tình thế lúc này, trước khi nhi tử trở về, bà không có chút tự tin nào cả.

Bùi Hành Chiêu hồi cung, thay sang thường phục rồi vào thư phòng xem công văn thư tín.

Thư hồi đáp từ những võ quan nổi danh trong kinh thành và vùng phụ cận đã tới. Tuy cách trình bày và câu chữ khác nhau, nhưng ý tứ lại đồng lòng: nếu triều đình thu hồi ruộng ban thưởng, bọn họ tuyệt không có dị nghị, nhất định sẽ ổn định lòng quân dưới trướng. Chỉ cầu nàng đừng vì tức giận mà làm chuyện bốc đồng, hãy cân nhắc cẩn trọng. Nếu tình thế quá gay gắt thì đừng vì bọn họ mà mạo hiểm, cứ thuận theo thời cuộc.

Bùi Hành Chiêu đọc xong, trầm mặc hồi lâu.

Huynh đệ đồng sinh cộng tử, bằng hữu tri kỷ của nàng chính là như vậy.

Thế gian này đâu có ai bắt buộc phải vì ai mà làm đến mức ấy, nhưng những người đã từng cùng nàng chia ngọt sẻ bùi nơi chiến trường, chịu khổ nhục vinh quang cùng nhau thì vì nhau mà làm gì cũng đều là cam lòng, không hối hận.

Hỏi nàng làm sao có thể bỏ mặc họ, làm sao chịu được khi họ bị thiệt thòi.

Loại nghĩa tình ấy, Tấn Dương không hiểu, phần nhiều văn quan cũng chẳng hiểu, mà nàng thì không định giải thích với bất kỳ ai. Họ không xứng.

Vài ngày tiếp theo, Hoàng đế đích thân gửi đến công văn, tấu chương ở Thọ Khang cung ngày một nhiều thêm.

Lý Giang Hải nhìn đống tấu chương chất thành núi nhỏ trước án thư của Thái hậu, liền cau mày hỏi Phùng Sâm:
“Bên Hoàng thượng còn có tấu chương không?”

Phùng Sâm cùng Lý Giang Hải đều là cộng sự nhiều năm, tính tình cũng hợp nhau, thật thà đáp:
“Những tấu chương xin thỉnh an, việc lặt vặt vân vân, Hoàng thượng đều giữ lại cả, cũng không ít đâu. Tính tổng số chỗ Thái hậu chắc cũng chỉ chiếm ba bốn phần thôi.”

Tấu chương mà tính theo phần à? Lý Giang Hải suýt thì tức đến nghẹn lời, liền quay đầu chạy tới Thái y viện tìm lão Tiểu Trịnh nhờ ông ấy xem lại mạch án của Thái hậu, kê thêm vài món thuốc thiện an thần.

Bùi Hành Chiêu không thích dùng thuốc thiện nhưng Lý Giang Hải là người cố chấp, nếu không nhận thì không biết hắn buồn đến thế nào, mà thuốc thiện cũng chẳng cần dùng mỗi ngày nên nàng chẳng nói gì thêm.

Cũng trong mấy ngày này, tình hình triều chính đang từng bước chuyển biến rõ rệt.

Trước tiên là có quan viên dâng sớ hạch tội Trấn Quốc công, cho rằng người này “đức không xứng vị”, đạo đức có khuyết điểm: tổ tiên nhà họ Lương lập được công lao theo rồng dựng nghiệp, công tích ấy là chiến công vậy mà Trấn Quốc công lại thụ hưởng đãi ngộ tương đương thân vương nhờ vào chiến tích của tổ tiên. Nay thấy đám người Vu các lão mưu tính chuyện thu hồi điền sản của võ quan thì lại thờ ơ làm ngơ. Rõ ràng là vì bản thân hiện làm văn quan nên đã quên mất công đức tổ tiên từng là võ quan. Hành vi như thế thật chẳng xứng đáng với ân điển của hoàng thất.

Có người mở đầu, lập tức có kẻ khác từ các phương diện khác thi nhau làm lớn chuyện, bao gồm nhưng không giới hạn ở việc cẩn thận thẩm định khối sản nghiệp của Trấn Quốc công. Nhà thế tập công hầu mấy đời, gia sản phong hậu khiến các nhà khác chỉ biết ngước nhìn theo làn bụi mờ mịt.

Khoảng cách giàu nghèo cách biệt quá lớn sẽ sinh lòng oán hận, ghen ghét, rồi bắt đầu lôi nhau ra tính sổ. Ví như Thái hậu chẳng đã nói rồi sao – điền sản ban thưởng cho một thân vương cũng chỉ năm sáu nghìn mẫu, thế mà ruộng đất dưới danh nghĩa nhà họ Lương lại lên tới hơn trăm khoảnh, là từ đâu mà ra? Dẫu có bỏ tiền mua cũng chẳng hợp lẽ thường, mua ngần ấy ruộng đất rốt cuộc là có mưu tính gì? Nếu chỉ để lấy lời từ hoa lợi thì còn có thể hiểu được, vậy còn vô số cửa hàng, trạch viện của nhà họ Lương thì sao?

Lại nói đến việc Trấn Quốc công giữ chức Lại bộ Thượng thư, rốt cuộc từng lập được công trạng rõ rệt nào? Trong những năm tháng nội loạn ngoại xâm, các danh tướng đều là do Tiên đế thân chinh dìu dắt nâng đỡ. Quan viên phụ trách điều chuyển, áp tải lương thảo không dưới một lần để xảy ra sai sót, mà trong số ấy kẻ nào chẳng là “hiền tài” do chính Trấn Quốc công tiến cử? Cuối cùng đều phải nhờ đến Trương các lão xuất thủ như sấm sét, thu dọn đống hỗn độn.

Chưa hết, ngay cả mấy vị hiện đang cố tình làm khó dễ toàn bộ võ quan cũng là "nhân tài" do Trấn Quốc công dâng biểu tiến cử cho triều đình.

Một vị Lại bộ Thượng thư như thế dựa vào đâu mà được hưởng đãi ngộ tương đương thân vương?

Những lời ấy nói đúng ngay tâm khảm Hoàng đế, song ngài vẫn giữ vẻ thản nhiên, thuận miệng nói vài câu hòa giải rồi hỏi vị quan dâng sớ hạch tội Trấn Quốc công xem có cao kiến gì.

Quan viên dâng tấu hạch tội thì vốn như cung đã giương, tên đã rời dây, chẳng thể thu lại. Y lập tức nói, Trấn Quốc công chí ít cũng phải giao nộp phần ruộng đất ngoài số được ban thưởng, những ân thưởng hằng năm cũng nên giảm phân nửa.

Hoàng đế cố nén niềm hân hoan trong lòng lại tỏ vẻ hòa khí thêm vài câu, rồi tuyên bố tạm hoãn nghị bàn, lui triều. Nhưng đến ngày hôm sau lại cao hứng tiếp tục triệu những kẻ dâng tấu hạch tội Trấn Quốc công lên, cho họ thoải mái thao thao bất tuyệt.

Trấn Quốc công lên triều chỉ đứng yên nghe người ta mắng chửi mình. Trước khi có người dâng tấu chương đào cả phần mộ tổ tiên nhà họ Lương lên để phân chia, ông liền cáo bệnh xin nghỉ triều, đồng thời dâng sớ xin nhận tội kiêm cả xin từ chức.

Tổ tiên ông xuất thân chinh chiến, còn bản thân lại làm văn quan thành ra đứng giữa hai giới văn – võ, ở một vị trí vô cùng xấu hổ khiến ai nấy đều kiêng dè chán ghét.

Đã mang đầy mùi xú uế thì biện bạch chỉ là kế ngu dại nhất. Dẫu có nói gì cũng chỉ chuốc lấy lời mắng nhiếc, đến cả thân thích, bè cánh cũng thế. Vậy nên sách lược khôn ngoan nhất chính là: người khác nói ông có năm phần tội, thì ông tự gánh lấy mười phần.

Trong lòng ông dĩ nhiên uất nghẹn đến cực điểm. Mới mấy hôm trước, cửa nhà vẫn kẻ ra người vào nườm nượp, ai cũng tâng bốc lấy lòng ông như trụ cột triều đình. Còn bây giờ thì sao? Đến chó mèo cũng lánh xa.

Miếng bia sống” không còn lên triều, các quan lại lập tức chuyển trọng tâm sang việc thực thi cắt giảm ân thưởng của phủ Trấn Quốc công. Cùng lúc, các nội dung cụ thể về thói xa hoa, phô trương của công chúa Tấn Dương và công chúa An Bình cũng được mang ra bàn bạc.

Sau khi hai vị ngự sử dưới trướng Yên vương dâng lên hai bản tấu vững lý đầy chứng cứ, thì Sở vương cũng tìm được quan viên thích hợp, cùng dâng sớ trình bày tường tận những hành vi không thỏa đáng trong quá khứ của hai vị công chúa đương triều. Kế tiếp là tấu chương của Tống các lão và Bùi Hiển.

Phía võ quan, bao gồm cả Anh quốc công, chỉ lặng lẽ đứng ngoài xem không lên tiếng xen vào. Bên văn quan, phe cánh của Tấn Dương công chúa tuy không ít nhưng vẫn còn nhiều người giữ lập trường trung lập. Trong tình thế này, phe trung lập thấy đã có người tiên phong liền chẳng còn kiêng dè, dựa theo những điều mắt thấy tai nghe và kết quả điều tra, bọn họ lần lượt dâng tấu thẳng thừng chỉ trích phẩm hạnh của hai vị công chúa.

Cục diện của Tấn Dương và An Bình bị hạch tội cũng chẳng khác mấy so với Trấn Quốc công: chuyện có xử tội hay không tạm gác lại, trước tiên là phải thực hiện việc cắt giảm chi dùng, thu hồi những sản nghiệp bất minh dưới tay họ.

Đến giai đoạn này, việc cắt giảm chi phí dành cho hoàng thất tông thân chính thức được định đoạt.

Song định đoạt là một chuyện, thi hành lại là chuyện khác. Phải biết rằng, chỉ tính riêng trong kinh thành, số lượng thân tộc hoàng gia đã đông đảo vô số. Ấy là còn chưa kể những lão vương gia, quận vương đóng quân ở phong địa xa xôi và cả các công chúa, quận chúa đã xuất giá rời đi. Hơn nữa mức độ cắt giảm cũng cần xem xét tùy từng người, phải cân nhắc kỹ lưỡng điều lệ.

May thay trước đó Bùi Hành Chiêu và Hoàng đế đã đạt được đồng thuận: chỉ cần xử lý xong mấy kẻ “gai mắt” thì sau đó cứ từ từ mà chỉnh đốn. Thỉnh thoảng nhắc đến vài lần, đợi đến khi các quan viên dần dần quên chuyện thu hồi điền sản của võ quan, rồi lại dốc sức thúc đẩy.

Mấy ngày liền, hoàng thất tông thân quả nhiên giống như Hoàng đế đã nói từ trước, kẻ thì dâng tấu, kẻ thì vào cung cầu kiến Hoàng thượng hoặc Thái hậu.

Những bản tấu như vậy Hoàng đế đều tự mình giữ lại, liếc qua đôi ba lượt rồi tiện tay gạt sang một bên. Còn đám người kia, ngài cũng chẳng đưa sang Thọ Khang cung làm gì – Thái hậu gặp bọn họ một lúc là có thể giúp ngài phê xong không ít tấu chương, tính toán thế nào cũng đều có lợi. Chỉ là mỗi lần vấn an, ngài thuận miệng hỏi một câu xem nên đối đáp với tông thân ra sao cho thỏa đáng.

Lúc này, Bùi Hành Chiêu liền nói: “Chẳng phải Tấn Dương đang tránh hiềm nghi, ở lại biệt viện đó sao? Dù sao cũng là rảnh rỗi, chẳng bằng tiếp tục dời họa sang hướng Đông, tìm cho nàng chút việc mà làm.”

Hoàng đế lập tức hiểu ý, quay sang đám tông thân mà nói: “Việc cắt giảm bổng lộc của các ngươi, thật sự không phải ý của Thái hậu và trẫm. Đây vốn là chủ trương của Tấn Dương, lúc nàng nêu ra, Thái hậu và trẫm đã đồng thanh phản đối. Nào ngờ nàng xoay người liền lấy chuyện thu hồi ruộng đất ban thưởng cho võ quan để bức bách trẫm. So với việc võ quan kết bè làm loạn, Thái hậu và trẫm đành phải nhẫn nhịn mà chịu thiệt vì các ngươi. Nếu Tấn Dương không sinh sự, ai lại nghĩ ra được bước này?”

Trong đám tông thân có người sáng suốt, vừa nghe đã hiểu ngay là Hoàng thượng đang mượn cớ chỉnh đốn Tấn Dương. Nhưng đa phần những người khác thì lại không hiểu, quay đầu liền kéo bè kéo cánh đi tìm Tấn Dương tính sổ.

Tấn Dương không bị Bùi Hành Chiêu và Hoàng đế chọc giận mà lại bị đám tông thân này khiến cho vừa phiền vừa bực: không gặp cũng không được, bởi nếu không tiếp, bọn họ sẽ ngồi nheo nhóc ngay trước cổng biệt viện vừa gào vừa khóc, nói rằng Tấn Dương đã cắt đường sống của họ. Giờ họ chỉ còn có thể đến đây xin ăn, mà xe ngựa trên đường còn mang theo cả lương khô đã chuẩn bị trước tạo nên một trận ầm ĩ kéo dài nửa ngày trời.

Quả thực là rối như tơ vò.

Mà vốn dĩ đây là chuyện Tấn Dương muốn để Bùi Hành Chiêu nếm trải.

Tự làm tự chịu, lấy đá đập chân mình – loại tư vị ấy, Tấn Dương lần đầu mới được nếm trải.

Khó chịu đến mức không sao tả xiết.

Nàng xưa nay vốn là người có tu dưỡng, hỉ nộ không lộ ra ngoài, vậy mà mấy ngày nay cũng không kìm nén được lửa giận, đập vỡ không ít chén trà và đồ trang trí.

Lúc tức giận nhất Hứa Triệt lại đến đổ thêm dầu vào lửa. Hắn cười cười đưa cho nàng một quyển danh mục sản nghiệp, nói là có người giấu tên gửi tới Thuận Thiên phủ, Hình bộ và cả Cẩm y vệ.

Tấn Dương vừa xem xong liền thấy tay chân lạnh ngắt.

Bảng danh sách chi tiết này, thậm chí còn rõ ràng hơn cả những gì chính nàng biết.

Không cần nghĩ cũng biết, nhất định là do cái ả Bùi Hành Chiêu chết tiệt kia giở trò! Chắc chắn là trong lúc phóng hỏa lần trước thiêu phủ Công chúa của nàng, đã tiện tay mang đi sổ sách trong thư phòng và phòng kế toán của nàng. Rồi kết hợp với những sản nghiệp khác mà nàng ta âm thầm điều tra ra được, gộp lại một thể rồi công khai cho thiên hạ biết.

Một vị Trưởng Công chúa nhiếp chính mà lại xa hoa vô độ, tài sản sở hữu nhiều đến kinh người. Nếu chỉ dựa vào lý do là được Tiên đế ban thưởng thì tuyệt đối không thể nào gạt được người khác, vậy thì chỉ còn lại một tội danh có thể quy kết – tham ô vơ vét của cải.

Mang trên mình danh tiếng như vậy sau này nàng còn mặt mũi nào mà đường hoàng đứng thẳng nơi triều cương?

Ngay lúc đang giận đến hoa mắt chóng mặt, Hứa Triệt lại dâng lên một cuộn thánh chỉ màu vàng sáng chói:
“Thánh chỉ do Hoàng thượng thân bút phê viết. Ngoại trừ sản nghiệp vốn nên thuộc về người, còn lại toàn bộ sung công quỹ. Việc này sẽ do Hộ bộ tiếp nhận, phân bổ lại, lấy đó làm lợi cho lê dân bá tánh.”

Tấn Dương cố gắng giữ vững vẻ bình tĩnh trên mặt, đưa tay tiếp lấy thánh chỉ.

Hứa Triệt hành lễ cáo lui, đi được vài bước, lại quay đầu mỉm cười nói:
“Vừa rồi nô tài thuật lại chưa đầy đủ, còn sót một câu – việc này là phụng theo tâm nguyện yêu dân như con của Hoàng Thái hậu.”

Sắc mặt Tấn Dương đen lại như than, chỉ hận không thể đem thánh chỉ kia coi như chính Hứa Triệt mà xé thành từng mảnh.

Phải bình tĩnh, phải giữ bình tĩnh… Tấn Dương thầm lặp đi lặp lại câu ấy trong lòng, quay về thư phòng, ngồi tĩnh lặng một mình.

Nhất định còn có cách, nhất định vẫn còn đường lui.

Nàng đã không nghĩ ra được biện pháp gì, mà cũng không còn trông mong gì ở đám mưu sĩ trong phủ. Nhưng – nàng vẫn còn có hiền hữu, còn có những người bạn chân thành đáng tin cậy.

Phải rồi, nàng vẫn còn người ấy. Những năm tháng có chàng kề bên, hiến kế bày mưu, nàng đi đâu cũng thuận buồm xuôi gió. Hiện tại Bùi Hành Chiêu tuy khó đối phó nhưng với chàng… hẳn là có thể.

Tâm tình cũng theo đó mà dần lắng lại. Nàng đích thân chuẩn bị bút mực giấy nghiên, tự mình mài mực, vô cùng trịnh trọng cân nhắc từng chữ viết thư cầu cứu.

Ngày thứ bảy kể từ khi bị Bùi Hành Chiêu làm mất mặt, Diêu Thái phó phát hiện mình lâm trọng bệnh.

Không, trực giác nói cho ông biết – là trúng độc rồi.

Tay chân không biết từ lúc nào bắt đầu trở nên tê dại nặng nề hoặc nhói đau như kim châm, cảm giác vô cùng rõ ràng nhưng hành động lại không do bản thân điều khiển. Chỉ trong một ngày, tứ chi đã cứng đờ chậm chạp.

Nếu cảm giác ấy không sai thì chẳng bao lâu nữa ông sẽ trở thành một kẻ trúng độc toàn thân đau nhức phát điên, không thể tự do hành động. Người có thể chất tốt nhất cũng chỉ chịu đựng được một năm, mà ông… nhiều lắm chỉ trụ nổi nửa năm.

Loại độc này ông từng nghiên cứu rất kỹ. Bởi vì chính tay ông từng hạ nó trên hai người. Khi ấy ông bỏ ra vạn lượng bạc mua từ tay một lữ khách giang hồ.

Vậy mà lúc ấy sao lại không hỏi rõ, thứ độc này… có giải dược hay không?

Giờ đây, chẳng lẽ là Bùi Hành Chiêu đã tra ra những trò mèo ông từng làm trước đây – lấy độc hoàn độc?

Nghĩ tới đây, ông chỉ muốn phủ nhận nhưng càng nghĩ mọi thứ lại càng giống như sự thật.

Hôm đó khi Bùi Hành Chiêu ra tay, tình hình quả thật có điểm bất thường: ả ta đã muốn hạ thủ thì cớ gì lại ra đòn rõ ràng để ông biết đau? Cớ gì lại chọn ngay ở Thọ Khang cung của ả?

Là ả cố ý. Cố tình khiến ông bị thương, rồi lấy danh nghĩa chính đáng để phái Cẩm y vệ, ám vệ ngày đêm giám sát. Sau đó, ám vệ tìm cơ hội hạ độc – dễ như trở bàn tay.

Ả rốt cuộc là người hay là tu la chuyển thế? Sao có thể trong cơn phẫn nộ mà vẫn không quên bày sẵn cạm bẫy?

Giờ có nghĩ cũng vô ích, điều quan trọng là – loại độc này rốt cuộc có giải hay không? Nếu có, thì phải trả giá ra sao ả mới chịu cho ông cơ hội lấy được?

Diêu Thái phó trừng mắt nằm suy nghĩ suốt đêm không ngủ, đến khi trời vừa tờ mờ sáng mới hướng về tên Cẩm y vệ đang nghỉ trên mỹ nhân tháp mà nói:
“Phiền chuyển lời vào cung – nói Diêu Thái phó cầu kiến Thái hậu.”

Trùng hợp thay, ở phủ Bùi thị, Tam phu nhân cũng chính thức lâm bệnh, nằm liệt giường mấy ngày. Bà cho mời Nhị phu nhân sang, nhờ chuyển lời vào cung: bà muốn trước khi chết được diện kiến Thái hậu một lần, nói rằng chỉ có gặp được Thái hậu bà mới biết phải cho nhi nữ của Bùi Lạc một lời giải thích ra sao.

A Mạn có chút bực dọc: “Sáng sớm tinh mơ đã có hai kẻ sống dở chết dở đòi gặp người, thật là xúi quẩy.”

Bùi Hành Chiêu lại mỉm cười như gió xuân: “Người chướng mắt xưa nay không ít, cũng đến lúc chết bớt vài kẻ rồi.”

“Nô tỳ hỏi thật, người có định gặp họ không?”

“Diêu Thái phó à? Không cần để tâm. Trước khi ta thực hiện lời đã hứa với hắn thì chưa cần thiết phải gặp. Còn Tam phu nhân, thì có thể tiếp một lần.”