Chương 32: Chương 32

9113 Chữ 28/06/2025

 

Thái hoàng thái hậu hồi cung Từ Ninh, gọi Hoàng hậu vào trong điện trò chuyện.

Hoàng hậu nghĩ: oan gia nên giải không nên kết, huống hồ đối phương lúc ấy đã công khai bênh vực Thái hậu, đối với mình cũng đã hạ mình mềm mỏng vì thế nàng liền thuận theo lòng tốt mà đáp ứng.

Sau khi an tọa, Thái hoàng thái hậu hỏi han chuyện gần đây Hoàng hậu bận rộn những gì, việc xử lý lục cung có thấy vất vả chăng.

Hoàng hậu thành thật đáp:
“Có Thái hậu những ngày này luôn đích thân giúp đỡ, tay chỉ tay dạy cho tôn tức, nhờ vậy mà thần thiếp cũng dần hiểu được đôi chút đường lối.”

Không rõ vì sao Thái hoàng thái hậu khẽ thở dài.

Hoàng hậu ngạc nhiên ngước nhìn.

Thái hoàng thái hậu cười khổ: “Ai gia chỉ là đang nghĩ, có những người đúng thật là sinh ra đã là yêu nghiệt.”

Hoàng hậu nghe liền hiểu, mỉm cười như hoa đào hé nở:
“Người ấy là kỳ tài mà. Tất nhiên là thông minh tuyệt đỉnh lại đặc biệt giỏi tùy cơ ứng biến, biết linh hoạt mà dùng người, dùng việc.”

“Đúng vậy.” Thái hoàng thái hậu khẽ gật đầu: “Dù sao cũng từng thống lĩnh trăm vạn đại quân, nắm giữ đại quyền hai tỉnh, nàng chịu chỉ bảo ngươi chính là phúc phận của ngươi vậy.”

“Tôn tức cũng nghĩ vậy.”

Thái hoàng thái hậu xoay chuyển lời nói: “Chỗ Quý Thái phi, ai gia đã gõ cho một hồi rồi. Đã  dặn bà ta đừng có can thiệp đông tây, không có việc gì thì cứ ở trong cung tụng kinh niệm Phật, chép kinh cho khuây khỏa.”

Hoàng hậu lựa lời né tránh, nói:
“Chỉ tiếc tôn tức không am hiểu Phật pháp nếu không đã thường xuyên đến đây bầu bạn với người.”

Thái hoàng thái hậu dĩ nhiên biết nàng chỉ là khách khí, liền dặn dò:
“Chuyện trong cung ngươi chỉ mới bắt đầu tiếp quản, cho nên không được lơ là. Ai gia cũng chẳng nói nhiều nữa, ta chẳng giúp gì được cho ngươi. Nếu có điều gì chưa rõ, cứ đến Thọ Khang cung hỏi.”

Hoàng hậu cung kính đáp: “Tôn tức xin ghi nhớ.”

Lý Giang Hải rón rén bước vào thư phòng của Thọ Khang cung, cúi người nhặt những mảnh vỡ của khối trấn giấy dưới đất, sau đó thay vào đó một khối trấn mới đặt ngay ngắn trên án.

Giấy vẽ trên án đã biến mất. Hắn liếc mắt nhìn vào sọt đựng giấy, quả nhiên, có thêm mấy mảnh vụn nhỏ của giấy bị xé ra.

Bùi Hành Chiêu đang đứng trước khung cửa sổ khép hờ, hướng mắt ra ngoài như đang trầm ngâm. Thấy hắn nàng quay đầu lại liếc một cái, giọng có phần kinh ngạc:
“Sao nhìn ngươi cứ như tên trộm vặt lẻn vào thế?”

Lý Giang Hải còn đang áy náy vì chuyện di chiếu, nghe thế bèn quỳ xuống thành thật thưa:
“Bẩm Thái hậu, nô tài vừa sợ Tiên đế, vừa sợ Thái hậu nương nương. Hơn nữa trước nay cũng chẳng có dấu hiệu chống đối gì của bọn họ, nô tài muốn lỡ lời tiết lộ cũng không có cơ hội.”

“Điểm đáng khen của ngươi là ngay thẳng thật thà.”

Bùi Hành Chiêu dịu giọng: “Chuyện đã qua, quên đi là được.”

“Tạ ơn Thái hậu nương nương!”

“Gọi A Mạn vào.”

“Dạ!”

Một lát sau, A Mạn bước vào, trong tay bưng một cái khay, trên khay có một bình rượu và một chiếc chén ngọc. Nàng rót đầy một chén, đặt cạnh tay Bùi Hành Chiêu, nói:

“Thái hậu, người uống đi, lần này nô tỳ cho phép người uống.”

Bùi Hành Chiêu bật cười, từ ngăn nhỏ dưới đáy hộc bàn lấy ra một chiếc bình sứ trắng: “Đem giao cho ám vệ đang giám sát lão súc sinh kia, mỗi ngày nhỏ một chút lên vết thương của hắn, bảy ngày là đủ.”

“Là thuốc gì thế?” A Mạn tò mò, định mở nắp xem thử.

“Cái móng vuốt này của ngươi là thiếu đòn sao?”

Bùi Hành Chiêu vỗ nhẹ lên tay nàng: “Không phải thứ tốt lành, không được chạm vào.”

A Mạn mắt long lanh, cong môi cười: “Nếu không phải thứ tốt, vậy rốt cuộc là thứ gì đây Thái hậu?”

Bùi Hành Chiêu khựng lại một thoáng, nâng chén rượu trên tay kéo ghế ngồi lùi về sau một đoạn, hai chân vắt nghiêng lên mặt án.

“Năm xưa Lục Kỳ, Dương Sở Thành lúc chịu hình, vết thương trên người cũng bị rắc loại độc này. Dù có sống sót bước ra khỏi đại lao cũng chỉ là kẻ phế nhân, sống chẳng bằng chết, gắng gượng không quá mấy tháng.”

“...Không phải tay nô tỳ ngứa, mà là miệng cũng muốn ngứa rồi.”

A Mạn phồng má, có chút tức tối: “Lão súc sinh đó là kẻ sai người làm chuyện này?”

“Ừ, tra ra rồi.”

“Vậy để nô tỳ mang thuốc cho ám vệ ngay.” A Mạn nói xong liền vội vã rời đi.

Bùi Hành Chiêu nhấp một ngụm rượu trong lòng âm thầm tính toán ngày giờ, vẫn chưa đoán chắc lúc nào Lục Nhạn Lâm và Dương Du tiến kinh.

Việc thu dọn đám người của Diêu Thái phó lẽ ra nên để hai nàng ấy đích thân ra tay. Nhưng hai cô nương ấy không giống nàng, không có nhiều thủ đoạn ác độc, lệch lạc như vậy – bởi thế nàng tạm thời ra mặt trước, coi như giải khuây chút đỉnh.

Hàn Dương đến gặp Bùi Hành Chiêu, vừa bước vào đã cẩn thận quan sát thần sắc của nàng.

Bùi Hành Chiêu liếc hắn một cái, uống cạn chén rượu rồi ra lệnh:
“Rót rượu.”

“Dạ!”

Hàn Dương bật cười, rót đầy một chén rượu, đặt lên tay vịn trên ghế của nàng:
“Vừa rồi thuộc ha thật lo Thái hậu nương nương đang giận dỗi, chỉ sợ nếu bước vào liền bị chửi một trận tơi tả.”

“Vô tích sự.”

Bùi Hành Chiêu khẽ cong môi: “Cái tên tiểu tử hỗn xược Hàn Lâm kia sao vẫn chưa quay về? Lại trốn ở xó xỉnh nào nữa vậy?”

“Người mà Thái hậu cho đưa về phủ, cô nương Phương Phi, tay nghề thêu thùa rất giỏi. Hàn Lâm cũng muốn học hỏi chút ít. Thêm nữa, nàng ấy cũng đang điều tra sâu hơn về mấy chuyện cũ trước đây chưa đào tới của Trưởng công chúa, Trấn Quốc công và Anh Quốc công.”

Nụ cười dâng đến mắt Bùi Hành Chiêu:
“Vậy thì tốt. Ta chỉ sợ nó lại chuồn đi gây họa khắp nơi.”

Hàn Dương cảm kích mỉm cười:
“Thuộc hạ xin được bẩm báo chính sự.”

“Ừm.”

Hàn Dương nói: “Tĩnh Nhất thực sự xuất thân từ La gia.”

“Thật sự là thật?” Bùi Hành Chiêu cầm chén rượu, khẽ xoay trong tay.

 “Thuộc hạ từng xem qua sổ sách các năm của am đường, không thấy La gia từng gửi hương hỏa gì cho bà ta.”

Hàn Dương giải thích: “Là vì La gia cố tình che giấu. Họ chưa từng giả dạng hương khách tới thăm Tĩnh Nhất, mà mỗi năm đều âm thầm đưa cho bà ta một khoản ngân lượng. Tính ra cũng đã hơn mấy chục năm rồi.”

Bùi Hành Chiêu khẽ gật đầu: “Nói ta nghe kỹ một chút.”

Hàn Dương bèn lần lượt trình bày:

Khi còn nhỏ, Tĩnh Nhất sư thái bệnh tật liên miên, hết trận này đến trận khác liên tiếp kéo đến. Mấy vị sư xuất gia khi xem qua bà đều nói rằng bà không hợp ở nơi trần thế, chỉ có quy y cửa Phật mới mong được bình an thanh tịnh.

La gia chần chừ quan sát thêm hai, ba năm thấy tình trạng của bà đúng thật ngày càng tệ, cuối cùng đành đau lòng gửi bà nương nhờ cửa chùa. Lúc ấy La gia vẫn còn ở quê tổ, trong quan trường chưa có tiếng tăm gì, sợ rằng nếu để lộ thân thế bà ta sẽ bị kẻ xấu dòm ngó nên chỉ nói với bên ngoài là bà mắc dịch bệnh đã chuyển ra trang ngoài dưỡng bệnh.

Vài năm sau dưới sự dạy dỗ thấm nhuần của sư phụ, Tĩnh Nhất xuống tóc chính thức quy y Phật môn, đoạn tuyệt mọi vương vấn trần thế.

La gia vẫn như xưa, kín kẽ giữ mình. Lại tiếp tục bịa ra rằng bà tình cờ được một nữ đạo trưởng đắc đạo nhìn trúng, đưa đi tu hành để lại lời nhắn sẽ không bao giờ quay lại thế tục. Cũng từ đó về sau, họ tuyệt không nhắc lại chuyện này. Dăm ba năm trôi qua người ngoài dần lãng quên, lâu thêm vài năm nữa thì chẳng còn ai nhớ tới cái tên Tĩnh Nhất ở La gia.

Đợi đến khi Tĩnh Nhất trụ vững trong cửa Phật. Bà lên kinh thành dựng nên một am đường riêng, trở thành trụ trì, thì tổ tiên La gia đã làm đến chức vị Tứ phẩm, cũng bắt đầu dọn về kinh thành ở. Từ đó, tuy ngoài mặt không có liên hệ nào nhưng người La gia vẫn âm thầm chu cấp cho bà, thi thoảng tìm cách gặp gỡ. Mối quan hệ ngầm này cho đến nay vẫn chưa hề đứt đoạn.

Bùi Hành Chiêu nghe xong, khẽ cong môi cười nhẹ. Tuy là qua lại trong bóng tối nhưng tình nghĩa giữa La gia và Tĩnh Nhất không hề phai nhạt, ngược lại còn rất thâm sâu.

Nàng ngẫm nghĩ giây lát, rồi dặn Hàn Dương: “Ngươi đi tìm A Vũ, bảo nàng chọn cho ngươi một miếng ngọc bội. Mang đến Bùi phủ thưởng cho Tam tiểu thư rồi đem những chuyện tra được này nói rõ với Tam phu nhân.”

“Chỉ vậy thôi sao Thái hậu?”

Hàn Dương hỏi: “Chúng ta không nghĩ cách dằn mặt bà ta sao?”

“Ta không ra tay xử lý không có nghĩa là bà ta sống được yên ổn.”

Bùi Hành Chiêu bình thản đáp: “Trong mắt bà ta, ta vốn không phải hạng người lương thiện. Chỉ cần bà ta chắc chắn ghi nhớ rằng ta luôn giơ dao treo lơ lửng trên đầu bà ta, thế là đủ.”

Hàn Dương nghĩ kỹ, cũng thấy có lý, liền nhận lệnh lui đi.

 

Mấy ngày nay, Bùi Hiển và Nhị phu nhân chia nhau hành sự, quả nhiên sự việc có mấy phần tiến triển đáng kể.

Bùi Hiển tìm đến Hứa Triệt mượn người. Hứa Triệt nghe ông viện cớ là vì việc của Thái hậu, liền sảng khoái đáp ứng. Hắn chọn ra mười người tinh nhuệ nhất do chính tay mình huấn luyện từ trong phủ, giao cho Bùi phủ mượn dùng. Hơn nữa, hắn cũng không nhận lấy lễ vật tạ lễ hậu hĩnh mà Bùi Hiển mang đến, chỉ cười bảo:

“Thi thoảng thưởng cho bọn họ chút bạc mua rượu là được. Dù sao ta cũng thường xuyên không ở trong phủ, họ theo ta cũng là bỏ phí. Nếu ngươi thật sự thiếu người, cứ giữ họ lại lâu dài cũng chẳng sao.”

Bùi Hiển mừng rỡ ngoài dự liệu, thuận thế nhận lấy món quà nhân tình nặng tay này, chỉ nói trong phủ quả thực không có người nào dùng được, vậy thì đành phải “ủy khuất” bọn họ tạm thời đến Bùi gia đảm đương sự vụ.

Vì Hứa Triệt kiên quyết không nhận lễ vật, Bùi Hiển bèn nghĩ cách khác để tạ lễ. Ông cho người đi dò hỏi và biết được rằng mẫu thân của Hứa Triệt đặc biệt yêu thích bút tích của Thái hậu và những món trang sức làm từ trân châu. Bùi phủ không có thư họa gì của Thái hậu nhưng lại cất một hộp nhỏ châu ngọc nước tốt cùng một bộ đầu diện nam châu trân quý hiến. Ông liền mang ra giao cho một quản sự khéo miệng được việc mang tới phủ họ Hứa.

Lễ vật ấy sau cũng không bị trả về, tức là Hứa Triệt đã nhận tấm lòng của Bùi gia để mẫu thân mình thu nhận món quà ấy.

Có được người rồi, Bùi Hiển sau nhiều lần cân nhắc liền cẩn mật sắp xếp: để mười người mới đến chia nhau lựa chọn các thị vệ, tiểu đồng, quản sự trong phủ. Phân công hành sự, âm thầm tiếp cận, dần dần vén mở những sự tình mờ ám từng xảy ra trong Bùi phủ mười mấy năm trở lại đây.

Bên phía Nhị phu nhân thì âm thầm sai tâm phúc đi điều tra những chuyện bất ổn, kỳ quặc trong quá khứ của Lão phu nhân, Đại phu nhân và Tam phu nhân – nhưng trong lòng bà, người thật sự khiến bà quan tâm từng giờ từng khắc, chỉ có Tam phu nhân.

Lần trước Tam phu nhân từ trong cung trở về, loạng choạng bước vào phòng ngủ liền đóng cửa đuổi hết người hầu ra ngoài, tựa lưng vào cửa ngồi phệt xuống đất khóc ròng đến tận đêm khuya.

Nhị phu nhân từng hai lần ghé qua. Một lần chỉ nghe được tiếng khóc nghẹn. Một lần khác thì vừa khóc vừa thì thầm lẩm bẩm điều gì, song bà hoàn toàn không nghe rõ là gì.

Đêm đó, Tam phu nhân không khóc nữa nhưng lại phát điên một mình trong phòng, những đồ vật có thể đập vỡ, hoặc ném nát đều bị bà ta phá tan trong.

Nhị phu nhân vội tới ra lệnh cho người phá cửa xông vào, chỉ thấy Tam phu nhân chân trần đứng giữa đống hỗn độn. Thân mặc trung y, tóc tai bà ta rũ rượi trông như người bị ma nhập. Bàn chân bà bị những miểng vụn sành sứ đâm thủng, máu tươi chảy đầm đìa vậy mà bà lại không có chút cảm giác nào. Khi thấy mọi người xông vào bà chỉ ngây người rồi bật cười như thể chẳng hiểu vì sao họ lại náo loạn lên thế.

Nếu cho người trói bà ta lại thì không hợp lễ nghi, nhưng thả mặc ra thì tất sẽ thành trò cười nơi hậu viện. Cuối cùng Nhị phu nhân sai quản sự đi mời nữ y đến gấp. Vị nữ y sau khi hỏi han tình hình liền cho hạ nhân đi nấu một chén thuốc có thể khiến người uống vào nhanh chóng mê man. Bọ họ cưỡng ép đổ thuốc cho Tam phu nhân uống. Đợi bà ta ngủ say mới có thể chữa trị vết thương nơi đôi chân.

Kể từ hôm ấy, Tam phu nhân nằm liệt trên giường suốt ba ngày. Không hẳn vì chân đau, mà rõ ràng là do hôm đó bà dùng thuốc trị đau đầu nhưng lại uống quá liều – hậu lực phát tác quá mạnh.

Nhị phu nhân vì thương tiếc tiểu thư bên Tam phòng là Nghi Gia, nên cho người gọi nàng sang phòng mình. Sắp xếp nha hoàn biết chữ đi theo cùng nàng đọc sách, học chữ, chơi cờ, chăm sóc hoa cỏ.

Ba ngày ấy, Nghi Gia dù trong lòng vẫn lo lắng cho mẫu thân đang “dưỡng bệnh” nhưng trong dáng vẻ lại cứ như một đứa trẻ vui vẻ không quản sự đời. Khi được ở trong phòng, nàng chỉ quanh quẩn với việc thêu thùa mãi không dứt.

Nhị phu nhân nhìn khuôn mặt, ánh mắt giống hệt Tam gia Bùi Lạc của nàng, trong lòng có chút nghẹn ngào.

Sau khi biết tin Tam phu nhân khỏi bệnh có thể rời giường, Nhị phu nhân vì nghĩ cho Nghi Gia nên đặc biệt đến tìm bà ta nói chuyện:
“Chuyện trong phủ hiện nay thế nào muội tử cũng rõ. Ta nghĩ muội cũng nên để cho Nghi Gia đi lại nhiều hơn, học chút thơ văn, lễ nghi nơi hậu viện.”

Tam phu nhân cụp mắt xuống, đáp:

“Nhị tẩu nói phải. Tẩu có biết vị nữ tiên sinh nào đáng tin trong kinh thành không?”

“Vị tiên sinh từng dạy cho Di Thất trước kia rất được. Ta nghe nói năm nay nàng ấy vốn định nghỉ ngơi một năm không dạy học, chúng ta cứ đến phủ hỏi thử biết đâu nàng ấy sẽ nhận lời.”

“Vậy phiền Nhị tẩu rồi.”

Tam phu nhân đứng dậy lấy ra một chiếc túi gấm, nét mặt vẫn ngơ ngác như gỗ đá: “Đây là học phí cho tiên sinh. Mấy việc khác thì tẩu cứ xem mà lo liệu, ta vốn cũng chẳng hiểu mấy chuyện đó.”

Nhị phu nhân rất khó chịu với cái dáng vẻ sống dở chết dở này của bà nhưng nghĩ đến gương mặt nhỏ nhắn rạng rỡ của Nghi Gia, liền không muốn tính toán làm gì. Bà cũng không khách khí nhận lấy túi gấm học phí, trong nửa ngày đã lo liệu xong mọi việc, còn sai quản sự đem số ngân lượng thừa trả về Tam phòng.

Từ hôm đó trở đi, theo lời bọn hạ nhân bên Tam phòng báo thì Tam phu nhân không còn nói thêm một lời nào nữa. Dù là chính nữ nhi thân sinh đến thỉnh an, bà cũng chỉ gật đầu, phất tay cho lui. Nhiều khi bản thân chỉ một mình lững thững đi quanh sân, đứng thẫn thờ nhìn vào một góc không rõ nơi đâu.

Thế là hay rồi, cái chum úp mặt giờ thành cái hũ nút thật sự. 

Nhị phu nhân trong lòng dở khóc dở cười, lúc rảnh rỗi bà cũng khéo léo an ủi Nghi Gia, thường gọi đứa trẻ ấy sang phòng mình dùng bữa.

Còn Tam phu nhân suốt ngày chỉ chìm đắm trong một chuyện – mà chỉ có bà ta mới biết đó là chuyện gì.

Bà ta đã mở ra cánh cửa ký ức mà nhiều năm nay vẫn không dám chạm tới.

Khi ấy Hành Giản mười tuổi, Hành Chiêu sáu tuổi. Hai đứa trẻ, nam thanh nữ tú đều được thừa hưởng những ưu điểm vượt trội từ phụ mẫu. Bọn chúng đẹp đến mức không giống người thật.

Tiểu thiếu niên Hành Giản khi ấy luôn bước đi với dáng vẻ thanh tao nhàn nhã.

Còn tiểu cô nương Hành Chiêu thì tràn đầy sức sống, đôi mắt to tròn long lanh linh động, mỗi lần chớp chớp lại như biết nói chuyện.

Hành Giản mỗi lần nhìn thấy bà luôn nở nụ cười trong sáng rạng rỡ, cúi người hành lễ lễ phép, dịu dàng gọi một tiếng:
“Tam thẩm.”

Hành Chiêu dù không quá thân thiết nhưng vì có đại ca bên cạnh nên cũng lễ phép với bà. Cô bé thường mỉm cười khi nhìn bà, đôi mắt híp lại đáng yêu, bắt chước người lớn khẽ cung ngươi hành lễ, giọng nói non nớt mà trong trẻo gọi:
“Tam thẩm thẩm.”

Nụ cười của hai đứa trẻ ấy thật đẹp, ánh mắt thật sáng làm sao.

Giống như hai tia nắng ấm chiếu vào đời bà.

Khi ấy, trong lòng bà từng ca thán lên: Sao trên đời lại có những đứa trẻ vừa xinh đẹp vừa hiểu chuyện đến thế này? Còn người đại tẩu kia… làm sao xứng đáng có được những đứa con như vậy?

Vậy mà, về sau thì sao?

Một tia nắng đã hoàn toàn tắt lịm, còn tia nắng kia thì bị mây đen phủ lấp.

Bà không còn mặt mũi nào để kể với ai rằng, mình từng lặng lẽ thắp một ngọn đèn trường minh cho Hành Giản ở chùa Hộ Quốc.

Càng không dám hỏi Hành Chiêu rằng bảy năm ly biệt, phiêu bạt khắp nơi ấy nàng đã ở đâu, đã sống thế nào, đã từng khổ sở đến mức nào.

Hành Giản không còn nữa, đã tan vào hư vô.

Vĩnh viễn.

Còn Hành Chiêu thì bước lên đỉnh cao quyền thế nhưng con đường ấy lại trải bằng xương trắng máu đỏ. Với một nữ nhi – một tiểu thư lẽ ra nên lớn lên trong sự yêu thương chiều chuộng – thì để có được một tâm chí cứng cỏi đến mức đó, nàng đã phải chịu đựng qua những gì?

Lẽ nào lại chẳng liên quan gì đến cái chết oan khuất của huynh trưởng, đến cảnh lưu lạc tha hương?

Làm sao có thể không liên quan?

Mỗi khi nhìn đến nữ nhi của mình, Tam phu nhân lại không kiềm được nhớ đến hai huynh muội kia – nhớ khi hành Giản khi còn sống, nhớ hết những điều bà từng chứng kiến. Lại đoán rằng, khi hành Chiêu ở cái tuổi mười mấy ấy, cuộc đời nàng đã thế nào. Cuối cùng không tránh khỏi có một ý nghĩ day dứt:
Nếu người từng trải qua tất cả những khổ ải đó là con gái của ta thì sao?

Một cơn đau buốt xé lòng như có ai dùng dao moi móc trái tim.

Ngay sau đó, bà lại lắc đầu phủ định.
Sẽ không đâu, Nghi Gia sẽ không phải chịu đựng những điều đó. Dù Bùi Hành Chiêu có thể nhẫn tâm trả thù người vô tội thì nàng cũng sẽ không nỡ ra tay với một đứa trẻ chưa hiểu sự đời.

Nhưng... thật sự sẽ không sao ư?

Dựa vào đâu mà tin rằng Bùi Hành Chiêu sẽ không “lấy răng trả răng”?

Rõ ràng chính bà là người đã liên lụy đến người vô tội trước, chính bà là người đầu tiên ra tay tàn nhẫn nhất.

Sự việc trên đời thường là như thế: điều mà ta tưởng chừng nắm chắc trong tay, đến khi phải thực sự đối mặt, lại là một kết cục hoàn toàn khác.

Khi trước, bà có thể nhanh chóng thuyết phục bản thân buông bỏ cảm giác tội lỗi, an ổn sống những ngày tháng bình lặng của riêng mình – điều mà chính bà cũng không ngờ đến.

Rồi bà lại ngỡ rằng chỉ cần dựa vào phu quân là có thể không lo không sợ, sống cuộc đời yên ổn như xưa nhưng thực tế đổi lại là từng ngày từng giờ hoảng hốt lo âu không dứt.

Uy thế của Hành Chiêu, sự bá đạo, giận dữ, lạnh lùng và bi thương của nàng, tất cả hiển lộ rành rành ngay trước mắt nàng. Những cảm xúc chồng chất đó cuối cùng hóa thành một thanh đao vô hình, treo trên đầu bà, đâm thẳng vào tim bà.

Một vị quận chúa quyền nghiêng một phương, giết người không dấu vết cũng chẳng là chuyện gì lạ – huống hồ nàng nay lại là đương kim Thái hậu.

Cuộc đời của bà... đã đi đến đoạn đường tuyệt lộ. Có lẽ sống tiếp chỉ càng khiến cho Thái hậu càng thêm giận dữ với La gia, với Nghi Gia, khiến bọn họ bị vạ lây đến cùng đường diệt tộc.

Vậy thì…

Khi bà bắt đầu thử suy nghĩ đến quyết định cuối cùng, bắt đầu từng bước thu xếp mọi chuyện thì một thiếu niên phong thần tuấn tú xuất hiện trước mặt bà.

Thiếu niên báo rõ thân phận là thị vệ thân cận của Thái hậu, lời lẽ ngắn gọn nói ra mối liên hệ giữa Tĩnh Nhất và La gia. Sau đó liền cáo từ, sải bước rời đi.

Hắn thậm chí không hỏi bà một câu xem bà có muốn tự mình khai nhận điều gì hay không.

Phải rồi, Hành Chiêu đã từng nói – nàng sẽ không hỏi nữa, cũng sẽ không hỏi La gia nữa.

Tam phu nhân bước ra sân, đứng lặng hồi lâu. Trong cơn ngơ ngẩn bà nghe thấy bọn hạ nhân thì thầm: Thái hậu ban cho Tam tiểu thư một miếng ngọc bội, ngọc trắng Ngọc Điền, khắc hình lan thảo, Tam tiểu thư thích đến nỗi cầm mãi không nỡ rời tay.

Bàn tay Tam phu nhân khẽ siết lại thành nắm đấm, càng lúc càng chặt, chặt đến mức móng tay cắm sâu vào lòng bàn tay, đau buốt thấu tim gan.

Bà hít một hơi thật sâu, sải bước kiên quyết trở về phòng – trong lòng đã có quyết định.

Những điều Bùi gia tra được, cách một hai ngày là Bùi Hiển đích thân tổng hợp lại thành bản tóm tắt, tự tay chép ra giấy rồi giao cho Cẩm y vệ đưa đến Thọ Khang cung.

Ông và Nhị phu nhân thông qua việc thẩm vấn bọn hạ nhân trong và ngoài nội viện, đã xác thực việc Tam phu nhân từng lén lút qua lại với Tĩnh Nhất sư thái. Bốn năm trở lại đây, đại phu nhân của La gia thường xuyên đến Bùi phủ thăm con gái và cháu ngoại, cho đến tận khi Tiên đế băng hà mới thôi.

Ngoài ra, xoay quanh Tĩnh Nhất sư thái, Bùi Hiển còn tra ra một chuyện: mấy năm gần đây Bùi Hành Hạo từng nhiều lần đến viếng chùa Hộ Quốc, mà mỗi lần đến đều ở lại hai ba ngày.

Có một tiểu sa di còn nhớ rất rõ: trong chùa nhiều lần có người đội nón trúc tới thăm, Bùi Hành Hạo sẽ đóng cửa phòng tiếp khách nửa ngày, ngồi bên trong đối ẩm tâm sự. Còn nội dung cuộc nói chuyện là gì thì không ai biết được vì chùa luôn có quy củ nên không ai dám đến nghe lén, mà giọng nói của hai người trong phòng lại quá nhỏ, không tài nào nghe được từ bên ngoài.

Ngoài ra, Nhị phu nhân còn đặc biệt nhờ Bùi Hiển chuyển lời đến Bùi Hành Chiêu một việc: Hôm qua, Tam phu nhân đã ba lần sai nha hoàn, mụ quản sự ra hiệu thuốc mua dược liệu. Những thứ dược liệu này được ghi lại thành một danh sách. Nhị phu nhân không rõ dụng ý của bà ta nên trong lòng cũng thấy có phần bất an.

Bùi Hành Chiêu nhìn qua tờ danh sách, nhận ra đó là những vị thuốc quen thuộc – đều có mặt trong một vài phương thuốc mà nàng từng biết.

Nàng mỉm cười, dặn Cẩm y vệ đến đưa tin: “Báo lại với Nhị phu nhân, chỉ cần Tam phu nhân không dùng những thứ đó lên người khác thì khỏi cần bận tâm. Cứ xem như không biết gì là được.”

Cẩm y vệ lĩnh mệnh, lui xuống.

A Vũ đứng bên cạnh dường như đã nghe ra được điều gì đó. Nàng trầm ngâm một lúc, thần sắc dần trở nên lãnh đạm.

Hôm ấy, tâm trạng Hoàng đế cũng vô cùng tốt: Vừa mới lên triều buổi sáng thì hai bản tấu chương của Diêu Thái phó được Trấn Quốc công thay mặt dâng lên ngự án – một bản là xin nghỉ dưỡng bệnh nửa tháng, một bản là thỉnh Hoàng đế tuân theo di chiếu của Tiên đế, mời Thái hậu và Trưởng công chúa cùng nhiếp chính, phò tá xã tắc.

Trên triều, Trương Các lão, Trấn Quốc công, Anh Quốc công cũng lần lượt bước ra, đồng lòng tấu xin việc hai nữ nhân kia được nhiếp chính.

Hoàng đế lập tức lệnh cho Phùng Sâm mang di chiếu Tiên đế ra, cao giọng đọc trước văn võ bá quan.

Bách quan trong triều sớm đã nghe phong thanh nay lại có bốn đại thần phò tá cùng lúc thỉnh cầu, tự nhiên cũng không còn ai dám dị nghị.

Hoàng đế liền sai người tuyên triệu Thái hậu và Trưởng công chúa lên triều, một lần nữa tuyên đọc di chiếu.

Bùi Hành Chiêu cùng Tấn Dương lĩnh chỉ nhận mệnh.

Việc nhiếp chính từ đây xem như đã hạ màn định đoạt.

Lễ bộ Thượng thư bước ra thỉnh hỏi về các lễ nghi và chi tiết cụ thể khi Thái hậu và Trưởng công chúa tham chính: Ví như ngồi ở đâu khi nghị triều, để y theo quy định mà an bài chỗ ngồi, tránh lễ nghi thất thố.

Hoàng đế quay sang nhìn Bùi Hành Chiêu.

Bùi Hành Chiêu lên tiếng:
“Ý ai gia là, nếu gặp việc trọng đại thì chỉ cần đặt thêm hai chiếc ghế hai bên long tọa là được. Còn ngày thường, mỗi buổi trưa Hoàng thượng cùng các trọng thần sắp xếp sẵn những việc hệ trọng, ai gia cùng Trưởng công chúa sẽ đến Dưỡng Tâm điện hoặc Ngự thư phòng tham dự nghị bàn.”

Chuyện mỗi sớm trời còn chưa sáng hẳn mà đã phải lên Kim điện ngồi chờ nửa buổi, nàng tuyệt đối không chịu làm.

Tấn Dương mỉm cười, khẽ gật đầu đồng tình.

Hoàng đế biết rõ Bùi Hành Chiêu ghét nhất là nghe người khác nói dài dòng, mà các đại thần triều đình thì lại rất thích thao thao bất tuyệt, nói mãi mới vào trọng điểm – nàng mà lên triều, chẳng khác nào chịu hành hình, chi bằng miễn cho rồi.

Thế nên hắn cũng đồng thuận. Mọi việc từ đó liền được định đoạt.

Tiếp sau đó, Hoàng đế lại bàn đến việc nếu cần Thái hậu và Trưởng công chúa phúc đáp tấu chương, thì phải làm sao. Hắn lệnh cho Lễ bộ cùng Nội vụ phủ nhanh chóng chế tác ấn tín dành riêng cho hai người, để sau này khi phúc duyệt tấu chương không xảy ra nghi kỵ từ các quan viên ở địa phương, tránh dẫn tới những rối loạn không cần thiết.

Mọi việc lớn nhỏ dần được sắp xếp ổn thỏa. Đến lúc đó thì trời cũng đã gần chính ngọ. Hoàng đế hạ lệnh bãi triều, mời Thái hậu, Trưởng công chúa cùng năm vị Các lão là Trấn Quốc công và Anh Quốc công đến Dưỡng Tâm điện dùng bữa – dù sao về sau cũng thường xuyên làm việc cùng nhau nên cần có buổi gặp gỡ đầu tiên để mở lời gắn kết.

Tâm trạng tốt đẹp của Hoàng đế chỉ kéo dài được một ngày.

Sáng hôm sau, khi ở trên triều, Vu Các lão dâng sớ khẩn khoản tấu trình: các công thần, võ tướng được hoàng gia phong thưởng quá nhiều ruộng đất khiến gia sản phú quý vượt trội. Còn đa số quan lại thì nhà cửa tiêu điều, chẳng khác gì dân nghèo so với địa chủ. Vì thế lòng người hiện nay đang bất mãn dâng cao nếu không sớm có biện pháp xoa dịu, thì lòng người oán giận tất sẽ tích tụ, một ngày nào đó tất nhiên bùng nổ khiến triều đình chấn động.

Ngay lúc ấy, có bốn vị ngôn quan chưa chờ Hoàng đế lên tiếng đã đồng loạt bước ra phụ họa.

Hoàng đế cố nén giận, hỏi bọn họ:
“Thế nào là biện pháp xoa dịu?”

Bọn họ nhất trí cho rằng nên thu hồi lại những phần ruộng đất đã được ban thưởng, lấy lại làm lợi cho bách tính. Hơn nữa, còn khéo léo mượn danh nghĩa “kế thừa lòng yêu dân của Hoàng Thái hậu” để xử sự.

Hoàng đế tức đến mức trong lòng run rẩy…

Nhà cửa của đám công thần quý tộc kia, có hơn một nửa đều là nhờ quân công mà được phong tước. Hiện nay những võ quan, quận chúa, huyện chúa có thể xướng danh trong triều, đều là người được Tiên đế trọng thưởng khi còn tại vị, vì có công nơi chiến địa.

Vào những năm tháng nội loạn ngoại xâm, vật gì có thể đổi được thành ngân lượng đều phải nhập vào quốc khố để phục vụ quân nhu. Mà những gì Đế vương có thể dùng để ban thưởng cho quần thần, ngoài phủ đệ ra thì chỉ có ruộng đất.

Thế nhưng giờ, bọn họ lại nhắm thẳng vào chính những người ấy. Mà một bước tiếp theo, chính là nhắm vào người được lòng quân doanh nhất – Bùi Hành Chiêu.

Hoàng đế thật sự nghĩ không ra, Bùi Hành Chiêu sẽ dùng lý lẽ gì để bác bỏ đề nghị này. Bởi nàng vốn là người yêu binh như con, thương dân như mạng, việc nào đem lại lợi ích cho bách tính, nàng trước nay chưa từng phản đối – thậm chí còn luôn ngấm ngầm đồng thuận. Nhưng lần này, người bị tổn hại thực sự lại chính là bao võ tướng từng sống chết vì nàng.

Mà những lợi ích đó của võ tướng là dùng mạng sống, dùng máu thịt, dùng từng vết thương nơi sa trường để đổi lấy.

Chiêu này thật quá hiểm độc.

Hoàng đế nói hoãn lại để bàn sau, rồi cho xử lý mấy việc vụn vặt không đáng kể sau đó liền hạ triều vội vã đến Thọ Khang cung, tức giận thuật lại nguyên do. Cuối cùng bực bội nói:
“Chắc chắn là chủ ý của đồ ngu mội Tấn Dương tai họa đó! Khi phủ nàng ta bị cháy, sao nàng ta lại đúng lúc không có ở đó!? Vậy mà bây giờ còn dám để Vu Các lão và bọn đại thần di họa sang người khác, còn dám nhấn mạnh là đang làm theo nguyên vọng yêu dân của người!”

Bùi Hành Chiêu chậm rãi nâng chén trà, từ tốn nhấp một ngụm.

Hoàng đế thấy vậy chẳng dám nói thêm lời oán trách, cũng ngoan ngoãn bưng trà lên uống theo.

Bùi Hành Chiêu đặt chén xuống, đôi mắt sáng ngời như chứa ánh sao, nhàn nhạt nói:
“Hoàng thượng vừa rồi đã nhắc nhở ai gia một chuyện – vậy thì ai gia cũng ‘di họa sang người khác’ là được.”

Lúc này, đầu óc Hoàng đế thật sự không xoay kịp nữa, đành thành khẩn hỏi: “Lời này nghĩa là sao? Xin mẫu hậu chỉ giáo.”